Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được 65% doanh nghiệp duy trì hoạt động và 60% phải tạm đóng vì Covid-19, chọn lựa. Ban IV phân tích, khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, vận chuyển hàng hóa hay chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn giao hàng, nhiều doanh nghiệp có thể cũng "không còn lợi nhuận".
Trường hợp này, không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, chèo lái vượt qua khó khăn lúc này..., đây lại là chính sách "đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp", giúp họ có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Giảm tiền điện, nước, nhiên liệu là chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được hơn 50% doanh nghiệp chọn. Khoảng 48% doanh nghiệp duy trì sản xuất và 46% đang tạm đóng cửa vì Covid-19 chọn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là nhóm chính sách hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước với họ lúc này.
Mặc dù VAT là thuế gián thu, không phải thuế trực thu như thuế TNDN, họ vẫn mong được giảm loại thuế này để hạ giá thành hàng hóa, tăng cạnh tranh và sức cầu hàng hoá của người dân, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống thấp hơn. Khi tỷ lệ đóng góp này giảm, doanh nghiệp có thể dùng để đóng bảo hiểm tự nguyện cho người lao động - một cách thức giúp giữ chân và mang lại nguồn dự phòng cho họ. Khảo sát cho thấy, gần 30% các doanh nghiệp cho là chính sách "hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng" hoặc "giảm thuế thu nhập cá nhân" sẽ đem lại hiệu quả cho họ.
Để duy trì đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt. Bởi nếu bị mất thị trường, mất khách hàng thì doanh nghiệp khó phục hồi sau dịch.
Họ cũng muốn Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để họ chủ động lựa chọn, áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ kéo dài hiện quá tốn kém.
Với chiến lược vaccine, doanh nghiệp muốn nhà chức trách có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng 70%.
Nhiều ý kiến đề xuất tăng tốc độ tiêm chủng vaccine bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm. Khi Nhà nước lo vaccine miễn phí cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, thì tư nhân sẽ san sẻ, góp phần với Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ tiêm vaccine cho những lao động trong các doanh nghiệp. Việc này giúp phần nào san sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế công cộng, nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội tái mở cửa và hoạt động lại bình thường.
Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư, tận dụng IT để giảm bớt thủ tục giấy. Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu cơ chế tích hợp dữ liệu liên quan tới tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo, tầm soát y tế... và cho phép các địa phương, doanh nghiệp được kết nối, sử dụng nhằm quản lý và phân loại người lao động theo các thang đánh giá mức độ an toàn trong dịch bệnh.