Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nhóm người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có các bệnh lý nền thường khó chống đỡ nếu không may mắc Covid-19. Do đó, gia đình cần lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng đề kháng, ăn đủ bữa, không được bỏ bữa để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết. Đặc biệt với người bệnh đái tháo đường, ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như cháo, soup... để cải thiện hệ miễn dịch, phòng chống dịch bệnh.
Người cao tuổi nên lựa chọn thực phẩm cân đối trong 4 nhóm (bột đường, chất đạm, chất béo và nhóm vitamin, khoáng chất và các chất xơ). Ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Không ăn vặt vì điều này khiến không kiểm soát được năng lượng hấp thu. Ngoài ra, đồ ăn vặt thường chứa nhiều đường, chất béo gây hại cho sức khỏe. Không lạm dụng vitamin C để phòng ngừa Covid-19. Không ăn quá no, ăn đúng giờ.
Trong nhóm thực phẩm có chất đạm nên ưu tiên ăn thủy, hải sản, tiếp đến là đạm từ gia cầm rồi đến đạm từ gia súc. Lưu ý cân đối đạm động vật và thực vật, không nên ăn chay trường. Bổ sung thêm chất xơ từ rau, hoa quả.
Uống đủ nước giúp chuyển hóa các chất dễ dàng, làm sạch cơ thể, giảm tình trạng táo bón. Tuy nhiên, người già chỉ nên uống đủ, không nên uống nhiều vì khả năng chuyển hóa đã bị giảm đi. Cụ thể, người cao tuổi không có bệnh lý về tim mạch, phổi tắc nghẽn, có thể uống 30-35 ml/kg/ngày. Theo đó, một người già, cân nặng 50 kg nên uống khoảng 1,5 đến 1,7 lít mước một ngày. Nếu tập luyện mất mồ hôi, chúng ta có thể uống thêm chút nữa.
"Nên uống chia đều ra trong ngày, không nên uống nhiều trong một lần để tránh cho tim mạch phải làm việc nhiều", bác sĩ Hưng nói.
Ngoài ra, lượng nước cung cấp cho cơ thể tùy theo độ tuổi. Với người dưới 50 tuổi nên uống khoảng 40 ml/kg/ngày hay người có cân nặng 50 kg nên uống khoảng 2 l/ngày.