TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM nhận định đây là giai đoạn đầu tiên thí điểm mở cửa, thành phố cần có những bước đi thận trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khi tỷ lệ bao phủ đầy đủ 2 mũi vắc xin còn chưa đạt như mong muốn, việc đảm bảo nguyên tắc kiểm soát theo địa chỉ cố định là điều cần thiết. Bên cạnh đó, do còn nhiều lo ngại về việc di chuyển không an toàn, điều kiện yêu cầu các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” hoặc kiểm soát quãng đường di chuyển thông qua các ứng dụng công nghệ là sự cẩn trọng cần có.
Với quy định này, các nhà hàng, quán cà phê số lượng người lao động ít không quá khó khăn để đáp ứng. Những người bán hàng rong, hộ kinh doanh cá thể không đáp ứng được yêu cầu sẽ “chờ một nhịp”, mở lại sau khi tỉ lệ bao phủ vắc xin đã đạt ở mức an toàn, không cần kiểm soát theo địa chỉ nữa. Với tốc độ tiêm vắc xin nhanh như hiện nay, ông Nam dự báo các yêu cầu về “3 tại chỗ” cũng sẽ sớm được tháo bỏ.
Tuy nhiên, đối với các hoạt động liên quan đến đội ngũ shipper công nghệ, TS Lương Hoài Nam cho rằng cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để mở rộng hoạt động của họ. Nhu cầu đặt hàng, mua đồ của người dân không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi 1 quận, huyện. Khách hàng đặt hàng qua app rất khó tính được nơi nào có hàng, nằm ở quận nào… Do đó, không nên giới hạn địa bàn hoạt động của shipper.
“Tỷ lệ tiêm vắc xin của shipper khá cao, những người được phép hoạt động đều đã được kiểm soát chặt thông tin từ doanh nghiệp, Sở Công thương. Cần cơ chế thông thoáng cho hoạt động giao - nhận hàng hóa để thuận tiện cho người dân và những cơ sở kinh doanh bắt đầu được mở lại” - ông Nam đề xuất.