Quản lý quỹ thiện nguyện của Hội sân khấu TP HCM, Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch hội - cho biết: "Mỗi đợt huy động của tôi số tiền không quá 500 triệu đồng để dễ quản lý, sau đó tôi khóa tài khoản, thông báo ngừng kêu gọi. Trao tiền quà xong, tôi thường tổng kết từng khoản chi, ghi rõ sử dụng nguồn tiền vào mục đích gì và công khai". Chị cũng không tự lên danh sách hỗ trợ mà nhờ đại diện Hội sân khấu thực hiện. Những tháng giãn cách xã hội, không thể đi trao, chị chuyển khoản, sau đó gửi ủy nhiệm chi về cho ban chấp hành Hội sân khấu.
Ca sĩ Thái Thùy Linh định thành lập quỹ có tư cách pháp nhân, nhưng sau đó từ bỏ. "Quỹ sẽ phải vận hành như một công ty. Tôi không có khả năng điều hành, duy trì hoạt động. Ngoài ra, người thành lập quỹ phải bỏ tiền trả lương nhân viên, nhiều khoản phí khác. Vì không phải quỹ chuyên nghiệp, chúng tôi thỉnh thoảng gặp khó khăn vì một số doanh nghiệp, nhà tài trợ yêu cầu cung cấp chứng từ, hóa đơn đỏ", Thái Thùy Linh nói. Một số nghệ sĩ như Việt Hương, Tùng Dương cho biết họ tự bỏ tiền túi hoạt động thiện nguyện, tránh việc không quản lý được nguồn tiền. Tùng Dương không công khai số tài khoản trên trang cá nhân, chỉ chia sẻ thông tin với bạn bè thân thiết - những người trao tiền để anh làm từ thiện.
Trịnh Kim Chị hy vọng cơ quan chức năng ban hành một bộ quy tắc cụ thể cho nghệ sĩ trong công tác thiện nguyện. Theo chị, nhiều nghệ sĩ còn làm kiểu tự phát, không nắm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin, dễ gặp rắc rối. Chị cho biết: "Tôi mong các nghệ sĩ vẫn giữ tâm huyết với công tác thiện nguyện, bởi những người khó khăn ngoài kia còn rất nhiều, đang chờ được cộng đồng chung tay giúp đỡ".
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa việc hoạt động xã hội vào dự thảo quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, quy định: "Công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân".