Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay, nguyên trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết: Để tăng đề kháng cho cơ thể, giúp phòng bệnh trong đại dịch, bạn nên duy trì lối sống dưỡng sinh. Tuân thủ quy định giãn cách, đảm bảo làm việc và nghỉ ngơi hài hòa, giữ thói quen vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Đảm bảo ăn uống khoa học, hợp vệ sinh, kết hợp tập luyện thể thao phù hợp với lứa tuổi tại nhà, luôn giữ tinh thần lạc quan, tránh hoang mang, lo âu. Tiêm chủng sớm nhất có thể để phòng bệnh.
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng các loại nước từ các thảo dược với liều lượng phù hợp. Ví dụ, sử dụng hỗn hợp chanh với gừng ấm theo tỷ lệ 1/2 trái chanh kết hợp ba lát gừng, cộng một ít mật ong nếu có, pha trong 200ml nước ấm uống trong ngày.
"Tuy nhiên không nên uống thay nước, một ngày chỉ cần một nửa quả chanh là đủ lượng vitamin C", bác sĩ nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một số loại nước như nước chanh sả, nước mã đề rau má, mía lau, nước bí đao, nước cây lạc tiên cũng rất tốt cho sức khỏe, giúp giấc ngủ ngon.
Để giảm triệu chứng ho, người bệnh có thể sử dụng 200 g húng chanh (tần dày lá) rửa sạch, ép lấy nước. Sau đó pha nước này với 100ml nước ấm và một muỗng mật ong, chưng cách thủy, chia ra uống 3-4 lần trong ngày, giúp long đờm giảm ho. Hoặc dùng một quả chanh, 10-12 lát gừng tươi giã nhuyễn lấy nước, một muỗng canh mật ong, ít muối, pha 100 ml nước chia ra nhiều lần uống. Tuy nhiên không nên để quá lâu tránh vị đắng.
Ngoài ra, trong thực phẩm hàng ngày nếu có củ cải trắng, có thể dùng một củ với 100 g gừng tươi, 50ml mật ong nấu với hai lít nước. Dùng nước muối ấm để súc miệng sau khi ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Trong trường hợp bị sốt nhẹ, người bệnh có thể xông bằng các loại lá hoặc vỏ bưởi, sả, gừng, tràm, bạch đàn... Kết hợp ăn cháo giải cảm gồm gạo, trứng, lá tía tô, gừng, tiêu và ăn lúc cháo nóng. Đun nóng nước chứa các dược liệu như cúc hoa, mã đề, kinh giới, tía tô, gừng để uống. Thường xuyên lau mát cơ thể hạ nhiệt.