Lăng Khải Định
Lăng Khải Định còn có tên gọi khác là Ứng Lăng, thuộc một trong bảy hệ thống lăng tẩm đẹp nhất xứ Huế và là lăng mộ của vua thứ 12 nhà Nguyễn – vua Khải Định.
Được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm 1920, quá trình xây dựng kéo dài trong 11 năm, Lăng Khải Định mang lối kiến trúc, văn hóa Đông Tây với các nét chạm khắc công phu, tinh xảo.
Lăng Khải Định ở Huế được thiết kế theo hình khối chữ nhật nổi bật, với tổng cộng 127 bậc thang. Bước qua 37 bậc đầu tiên, du khách sẽ gặp cổng Tam Quan dẫn vào không gian Nghi Môn và sân Bái Đính. Tiếp theo là hai tầng sân cao dần, mỗi tầng cách nhau 13 bậc thang, và điểm nhấn cao nhất của lăng chính là Cung Thiên Định tọa lạc ở đỉnh trên cùng.
Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng Huế gây ấn tượng với kiến trúc truyền thống cổ xưa, mang đậm bản sắc Nho Giáo và là một trong 7 khu lăng tẩm đẹp nhất xứ Huế, Lăng Minh Mạng còn có tên gọi khác là Hiếu Lăng.
Quá trình xây dựng bắt đầu từ năm 1840, giai đoạn năm 1841 vua Minh Mạng lâm bệnh và băng hà, một tháng sau đó, vua Thiệu Trị lên ngôi và tiếp tục xây dựng. Đến năm 1843, công trình Hiếu Lăng mới chính thức hoàn thiện.
Lăng Minh Mạng có khoảng 40 công trình lớn nhỏ nằm đối xứng nhau, các công trình này nằm trên 3 trục lớn chạy song song, với đường Thần Đạo làm trục trung tâm. Toàn cảnh lăng Minh Mạng mang dáng dấp của một người đang nằm nghỉ, đầu tựa vào núi Kim Phụng, chân duỗi thẳng về phía ngã ba sông phía trước.